7 loại bánh dưới đây chắc hẳn bạn đã một lần từng ăn.
Bánh chưng, bánh tét
Nếu nhắc đến các loại bánh đặc trưng của ẩm thực Việt được gói trong lá thì không thể nào bỏ qua bánh chưng và bánh tét. Đây là hai loại bánh cổ truyền lâu đời của hai miền Nam - Bắc, không thể thiếu trong bất cứ gia đình nào, đặc biệt vào mỗi dịp Tết đến xuân về.
Được gói ghém và nấu chín cẩn thận với hai dáng hình quen thuộc là tròn dài và vuông vức bằng lá dong, bánh chưng và bánh tét luôn nhuốm một màu xanh lục ngoài vỏ khi bóc từng lớp lá. Hương vị đặc trưng của gạo nếp quyện với hương đỗ và thịt nạc luôn khiến người thưởng thức nhớ về cội nguồn. Bánh chưng và bánh tét được ăn kèm với dưa muối và củ kiệu để tạo nên mùi vị độc đáo hơn.
Bánh tẻ
Bánh tẻ, còn được gọi là bánh răng bừa, là loại bánh truyền thống ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Bánh được làm từ bột gạo tẻ, gói bằng lá dong hoặc lá chuối và được luộc chín. Mỗi địa phương đều có phương pháp chế biến khác nhau nhưng đều phải qua 2 công đoạn chính là làm nhân và vỏ bánh.
Gạo làm phần vỏ bánh được xay thành bột nước, sau đó đun nhỏ lửa, vừa đun vừa liên tục khuấy để bột mềm và tránh vón cục. Nguyên liệu để làm nhân bánh tẻ truyền thống gồm gạo tẻ, thịt lợn vai, mộc nhĩ. Nhiều địa phương có thể cho thêm lạc, nấm hương. Hiện nay, ngoài bánh nhân thịt, còn có thêm nhân đỗ. Sau khi đã xong vỏ và nhân, người ta lấy một lượng vừa phải phần bột đã cô đặc, đặt lên lá dong rồi rải thịt lên lớp bột rồi cuốn lại theo hình thuôn dài và luộc chín.
Bánh gai
Bánh gai là một món bánh đặc trưng của vùng đồng bằng Bắc Bộ, có hình vuông, vừa bằng bàn tay. Ở Bình Định hay một số tỉnh miền Trung khác, bánh ít lá gai hình chóp nhọn, cũng là món ăn có hương vị và cách chế biến tương tự.
Lá gai sau khi được giã ra, luộc lên và trộn với bột nếp sẽ được nặn hình tròn làm vỏ bánh. Nhân bánh thường gồm đỗ xanh nấu chín, giã nhuyễn, mỡ lợn, dừa, hạt sen... thái nhỏ trộn lẫn. Sau khi đặt nhân vào bên trong lớp vỏ sẽ được gói bằng lá chuối và cho vào chõ đồ lên. Không nhuốm màu xanh lục như bánh chưng hay bánh tét, bánh gai thường có màu đen. Bánh có vị ngọt, bùi, thơm ngậy của nhân bánh, mát dẻo của vỏ bánh. Món bánh này thường được thưởng thức như đồ tráng miệng.
Bánh phu thê
Bánh phu thê, có nguồn gốc từ Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh, chỉ cái tên thôi cũng khiến bạn liên tưởng tới đám cưới, tới cô dâu - chú rể. Và đúng như vậy vì đây là loại bánh được sử dụng ở các đám cưới và đám hỏi của nhiều vùng miền ở Việt Nam.
Vỏ bánh phu thê thường làm từ bột năng. Nhân bánh là đỗ xanh ngâm kỹ, đãi sạch vỏ, đem hấp chín, nghiền mịn, trộn đường và dừa sợi. Bánh thường được gói bằng hai lớp lá, bên trong là lá chuối chống dính, bên ngoài là lá dừa. Ở các đám cưới, đám hỏi, bánh có thể được bọc thêm một lớp giấy màu đỏ. Bánh có vị ngọt của nhân, dai dai của vỏ bánh.
Bánh tro
Bánh tro có thành phần chính là gạo nếp, ngâm qua nước tro sau đó được gói bằng lá đót hoặc lá tre đã được luộc qua nước sôi và lau khô. Lá được cuộn thành hình phễu rồi cho gạo nếp vào, gấp lá kín lại thành một khối hình tam giác rồi dùng lạt buộc, sau đó được xâu lại với nhau và bỏ vào nồi luộc. Ở nhiều nơi, bánh được gói theo dạng thuôn dài, tương tự như bánh tẻ.
Vì gạo được ngâm qua nước tro nên khi bóc lớp vỏ bánh, bạn sẽ thấy một màu vàng óng ả ở lớp vỏ, khi ăn sẽ cảm nhận được vị mềm dẻo của gạo nếp. Bánh tro được chấm với mật mía hoặc mật ong để tăng thêm hương vị ngọt ngào thơm dẻo của bánh.
Bánh trứng kiến
Bánh trứng kiến là một loại bánh độc đáo của người dân tộc Tày các vùng núi cao. Nguyên liệu chính để làm loại bánh này chính là trứng kiến, bột nếp và đặc biệt được gói bằng một loại lá chỉ mọc phổ biến ở vùng cao, đó là lá vả.
Lá vả dùng để bọc bánh là lá vả non để khi được hấp chín, người ta có thể ăn luôn cả lá. Khi ăn, bạn sẽ luôn cảm nhận được độ dẻo của nếp, vị béo ngậy của trứng kiến và vị mềm của lá vả.
Bánh giò
Bánh giò là loại bánh ăn vặt quen thuộc ở Hà Nội. Bánh giò được làm từ bột gạo tẻ và bột năng nên bánh khá thanh, mềm không giống như các loại làm từ bột nếp. Nhân bánh là sự kết hợp của thịt băm, mộc nhĩ, hành khô, nấm hương... sau đó được gói bằng lá chuối nên vỏ bánh cũng có màu xanh nhạt trông khá mát mắt và ngon miệng.
Lá chuối để gói bánh giò thường được phơi héo sau đó lau cho thật sạch và để khô, xếp vào phễu để thành khuôn rồi cho bánh, nhân bánh vào rồi gói bằng dây lạt. Bánh sau khi gói cho vào chõ hấp chừng 30 phút là chín.