HÀNH TRÌNH ĐẶT NỀN TẢNG CHO THƯƠNG HIỆU
Mặc dù được Bộ NN&PTNT công nhận các giống điều PN1, MH4/5, MH5/4 và các giống chọn lọc có triển vọng của tỉnh được công nhận năm 2000 (gồm PL18, ĐP41, DDP27, BDD44) với khả năng ra bông, thu hoạch tập trung cao, thời gian thu hoạch ngắn, nhưng chưa đủ để các nông hộ gắn bó lâu dài với cây điều. Vì vậy, việc tìm ra dòng điều thích hợp với thổ nhưỡng Bình Phước, chống chọi với thời tiết thất thường, cực đoan như hiện nay là vấn đề bức thiết. Đây cũng là chiến lược lâu dài để tạo ra vùng nguyên liệu tại chỗ dồi dào, đáp ứng cho 280 doanh nghiệp chế biến, sản xuất điều trong tỉnh.
Cán bộ Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp nghiên cứu, khảo sát, tuyển chọn những giống điều nổi trội
“Cây điều rất nhạy cảm với thời tiết. Ngoài việc chăm sóc tốt thì giống tốt cũng là yếu tố then chốt. Việc chọn những giống ưu tú, đạt các chỉ tiêu về chất lượng và sản lượng là rất khó. Giống phải được chọn từ những cây 10 năm tuổi trở lên, có năng suất cao, ổn định trong ba năm liên tiếp (trên 50kg/cây/năm); trọng lượng trung bình khoảng 170 hạt khô/kg; độ đồng đều về hình dạng, kích thước hạt đạt trên 70%; tỷ lệ nhân đạt 28-34% và ra bông nhiều đợt/mùa. Cây sinh trưởng khỏe, phát triển tán đều, dày thấp, tán hình mâm xôi và ít sâu bệnh; chống chịu được thời tiết bất lợi...” - ông Trần Minh Đức, Giám đốc Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp (Sở NN&PTNT) cho biết.
Ngày 6-5-2016, Sở NN&PTNT đã thành lập Hội đồng bình tuyển các cây điều đầu dòng trên địa bàn tỉnh và công nhận 5 giống đầu dòng là: BP18 tại xã Thuận Lợi và BP27 ở xã Thuận Phú (Đồng Phú); BP43 tại xã Đức Liễu (Bù Đăng); BP68 ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập) và BP89 tại xã Minh Lập (Chơn Thành). Việc phát triển giống điều của mỗi xã, huyện là nền tảng trong việc xây dựng chỉ dẫn địa lý và tiến tới xây dựng thương hiệu cho cây điều Bình Phước. Ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN&PTNT |
Thực tế, Sở NN&PTNT đã tuyển chọn giống điều từ năm 2013 đến nay. Trên cơ sở điều tra, theo dõi các chỉ tiêu về hình thái và năng suất thực địa kết hợp ứng dụng sinh học phân tử trong chọn giống đã xác định được 12 cá thể ưu tú để chọn và nhân giống.
Việc chọn 5 dòng điều của tỉnh trong giai đoạn hiện nay đã đặt nền tảng vững chắc cho thương hiệu số 1 của điều Bình Phước. Để phát triển những giống điều nổi trội này, ngành nông nghiệp đang triển khai đồng bộ các giải pháp: Quản lý, khai thác và xây dựng vườn đầu dòng đã tuyển chọn từ các huyện để nhân giống. Năm 2016, Trung tâm Giống nông, lâm nghiệp ghép nhanh từ cây mẹ để cung ứng khoảng 10.000 cây điều giống cho huyện Bù Gia Mập. Trung tâm cũng xây dựng dự án giống điều phục vụ chương trình phát triển vùng điều chất lượng cao trong thời gian tới; xây dựng đề án cải tạo vườn điều để hình thành vùng chuyên canh theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn huyện Bù Gia Mập, làm cơ sở để nhân rộng toàn tỉnh...
XÂY DỰNG THƯƠNG HIỆU BẰNG NHIỀU GIẢI PHÁP ĐỒNG BỘ
Ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục chọn, tạo giống mới của mỗi vùng, phát triển giống điều đã được công nhận cho kết quả tốt tại các xã, huyện. Hướng dẫn người trồng điều áp dụng quy trình kỹ thuật; cho vay với lãi suất hỗ trợ giúp nông dân chăm sóc, đầu tư thiết bị công nghiệp phục vụ thâm canh... đến khâu chế biến. Ngành còn xây dựng chính sách và nguồn lực đặc thù trên cây điều; tập trung hỗ trợ giống mới, chuyển giao khoa học - kỹ thuật và phát triển các chuỗi liên kết trong sản xuất - tiêu thụ. Đồng thời xây dựng các mô hình trình diễn về chăm sóc, bón phân, phòng trừ sâu bệnh... cho nông dân học tập; tăng cường phát triển các mô hình trồng xen có hiệu quả trong vườn điều, như xen ca cao, gừng, dược liệu... để nâng cao hiệu quả trên một đơn vị sản xuất.
Vườn điều ghép của ông Hoàng Văn Thanh ở xã Long Hà (Phú Riềng) cho năng suất cao, là mô hình tham quan của nhiều nông dân trong và ngoài tỉnh - Ảnh: H.C
“Phát triển ngành điều theo hướng tập trung, chuyển đổi mạnh từ trồng trọt và chế biến phân tán, quy mô nhỏ sang sản xuất hàng hóa theo hướng công nghiệp, quy hoạch vùng sản xuất tập trung. Bảo đảm chặt chẽ và đồng bộ từ khâu sản xuất - thu mua - chế biến - bảo quản - tiêu thụ. Tập trung khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, gắn kết với vùng nguyên liệu tạo sự liên kết bền vững. Đầu tư cơ sở hạ tầng cho một số vùng điều trọng điểm, ứng dụng nhanh các tiến bộ kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao năng suất, chất lượng, hạ giá thành sản phẩm và đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm phục vụ tiêu thụ nội địa và xuất khẩu. Phối hợp với các cơ quan chuyên môn xây dựng chỉ dẫn địa lý đối với điều Bình Phước... Đó là những mục tiêu chúng tôi phải thực hiện để tái cơ cấu ngành gắn với xây dựng nông thôn mới theo hướng sản xuất hàng hóa” - ông Trần Văn Lộc, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định.
Ngọc Bích
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065