BP - Gần hết đời làm báo, tôi đã trực tiếp thực hiện hoặc gián tiếp tham gia qua công tác biên tập nhiều bài viết về các vụ việc liên quan đến sự tắc trách, vô cảm của cán bộ đối với người dân. Tâm thế chung của những người làm báo, làm văn nghệ khi tiếp cận những vụ việc là thường thiên về bênh vực người dân, ít khách quan hơn khi tiếp cận những cán bộ bị dân tố cáo, khiếu kiện. Cho đến khi được trực tiếp tham gia tiếp công dân, tôi mới cảm nhận phần nào nỗi nhọc nhằn, nhiều khi là oan ức của những người làm nhiệm vụ đặc biệt: tiếp công dân. Và tôi muốn một lần nói về công việc đặc thù của họ!
QUÁ TẢI
Ngày đầu tuần, tôi đến Trụ sở tiếp công dân theo quy định của Thường trực HĐND tỉnh đối với đại biểu dân cử. Chủ trì buổi tiếp là người được Thường trực HĐND tỉnh ủy quyền. 7 giờ 30 phút, phòng tiếp công dân của tỉnh đã đầy đủ các vị đại diện những cơ quan được phân công tiếp dân. Người đầu tiên được tiếp đến từ xã Nha Bích (Chơn Thành), tố cáo một người hàng xóm làm sổ đất giả để vay vốn ngân hàng. Tiếp đến một người ở xã Thuận Phú (Đồng Phú) khiếu nại về việc bồi thường cây trồng trên đất bị giải tỏa. Người chủ trì buổi tiếp dân cho biết, trường hợp của ông đã được UBND tỉnh chấp thuận xem xét, nhưng phải chờ. Ông hỏi lại ngay, chờ đến bao giờ? Nhưng người tiếp dân không thể trả lời cụ thể, vì trách nhiệm giải quyết thuộc về cơ quan chức năng. Tiếp đến là một nhóm đại diện 5 hộ khiếu kiện việc đền bù, cấp tái định cư dự án trung tâm hành chính thị xã Đồng Xoài. Vụ khiếu nại này kéo dài từ năm 2009, đến nay có trường hợp đã qua 6 lần xem xét, giải quyết nhưng các hộ này không chấp nhận. Vừa qua, khi nhận được thông báo của UBND tỉnh về việc chấm dứt giải quyết khiếu nại đối với nhóm hộ này, họ đồng thanh kéo nhau lên trụ sở tiếp công dân của tỉnh để yêu cầu UBND tỉnh ra quyết định chứ không phải là văn bản hay thông báo. Người chủ trì giải thích: vụ việc không thể 2 lần ra quyết định, vì trước đó UBND tỉnh đã có quyết định nên sau khi xem xét khiếu nại, UBND tỉnh chỉ ra thông báo là đúng luật. Thế nhưng đại diện 5 hộ cứ liên tục đứng lên trình bày theo suy nghĩ của mình. Và trong lúc họ trình bày, nhiều người bên ngoài sốt ruột đi tới đi lui để chờ tới lượt mình.
Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đối thoại trực tiếp để giải đáp vướng mắc của người dân huyện Bù Đốp
...Kim đồng hồ chỉ đúng 12 giờ trưa, người cuối cùng bước ra khỏi phòng tiếp công dân. Như vậy là suốt từ 7 giờ 30 phút sáng đến 12 giờ trưa, có tất cả 17 lượt công dân được tiếp, trong đó có một lượt 5 người, một lượt 4 người, một lượt 3 người. Suốt 5 tiếng rưỡi, người chủ trì chỉ 2 lần đứng lên uống nước và giải quyết nhu cầu bức xúc chứ không hề nghỉ. Thấy tôi tỏ vẻ cảm thông chia sẻ, ông nói thế này đã ăn thua gì, có hôm 1 giờ chiều mới xong, vì người dân ở mãi tận Lộc Ninh, Bù Đốp xuống. Chiều mới tiếp thì họ không kịp về. Mình ráng chịu khổ một chút thì họ bớt phải lang thang vạ vật buổi trưa. Rồi ông nhăn mặt, xoa cái bụng lép kẹp vì cơn đau dạ dày chợt đến.
CĂNG THẲNG
Tiếp 25 người dân trong một buổi, mà ai cũng mang đến một tâm trạng bức xúc, sẵn sàng bùng nổ nên những người đại diện các cơ quan được phân công tiếp dân đều chú ý lời ăn tiếng nói để không “chọc” những người đang giận. Suốt một buổi ngồi dự tiếp dân, cả 25 người khi mở cửa vào phòng đều bắt đầu bằng một vẻ cầu thị, nhưng khi đại diện các cơ quan chức năng giải thích từng vụ việc, hướng dẫn quy trình và cách thức thực hiện quyền công dân... họ đều nổi nóng và quy kết cán bộ từ xã đến huyện, đến tỉnh bao che nhau. Có người đập bàn, có người vừa nói vừa khóc. Có người mạt sát cán bộ. Tôi rất bất ngờ khi một phụ nữ trong nhóm 5 người khiếu nại việc giải tỏa, đền bù dự án khu trung tâm hành chính thị xã Đồng Xoài chỉ tay vào mặt người chủ trì tiếp dân và quát lớn: Anh không giải quyết được vụ việc của dân thì anh ngồi đó để làm gì? Thế mà cũng... cán bộ! Khi hai chiến sĩ công an bước tới đề nghị bà không lớn tiếng và cư xử đúng mực, thì bà ta bắt đầu la hét, buộc các chiến sĩ công an phải đưa bà ra khỏi phòng. Và trong khoảng hai chục phút, bà cứ liên tục gào thét ngoài sảnh Trụ sở tiếp công dân tỉnh, khiến không khí buổi tiếp dân càng thêm căng thẳng.
Đồng chí Phó bí thư Tỉnh ủy Lê Văn Châu tiếp dân định kỳ tại trụ sở tiếp dân tỉnh ngày 5-5-2015 - Ảnh: Ngọc Bích
VIỆC GÌ CŨNG ĐÒI GẶP CHỦ TỊCH TỈNH VÀ RA TRUNG ƯƠNG
25 lượt người đến, mang theo nỗi bất bình của bản thân về nhiều vấn đề, chủ yếu là khiếu nại bồi thường, cấp tái định cư khi bị thu hồi đất; giải quyết tranh chấp đất đai giữa các hộ dân với nhau, giữa dân với các tổ chức của Nhà nước... Tuy nhiên, chỉ một vài trường hợp người chủ trì yêu cầu đại diện Thanh tra tỉnh trình bày cụ thể vụ việc (vì người dân bức xúc nên trình bày không rõ ràng), còn hầu hết ông đều nhớ tên, nhớ việc và cập nhật những thông tin mới nhất về vụ việc đã được giải quyết đến đâu. Điều đó cho thấy ông nắm rõ từng vụ việc và cũng cho thấy người dân đã khiếu nại nhiều lần nhưng chưa chấp nhận sự giải quyết của chính quyền các cấp.
Điểm giống nhau ở hầu hết các vụ việc là người dân thường đòi gặp Chủ tịch UBND tỉnh. Hai gia đình tranh chấp lối đi chưa đầy 1m đất đòi gặp Chủ tịch tỉnh. Ở huyện Bù Gia Mập, một hộ lấn chiếm đất nông trường sản xuất nhiều năm, sau đó bị thu hồi đất giao cho người khác nhưng không chấp nhận. Thế là cả hai hộ cùng vác đơn đi kiện và cùng đòi gặp Chủ tịch tỉnh. Bà N.T.T ở phường Long Phước, thị xã Phước Long đòi đối thoại với Chủ tịch tỉnh vì chính quyền địa phương chậm giao quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về vụ việc của gia đình bà. “Người ta đòi đối thoại ầm ầm nên tôi cũng cần được đối thoại!” - bà T chia sẻ. |
Những năm qua, trên địa bàn tỉnh triển khai nhiều dự án nên ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều người dân. Do quá nhiều vụ việc và không thể đáp ứng hết đòi hỏi của người dân nên có những vụ việc phức tạp kéo dài nhiều năm không giải quyết được. Vì thế, người dân kéo ra trung ương. Năm 2012, Thanh tra Chính phủ vào cuộc và đã lập danh sách những vụ việc tỉnh cần tập trung giải quyết. Qua đó có một số hộ sau khi xem xét đã được hỗ trợ cây trồng, đất ở, đất sản xuất. Chính vì thế, một số người dân lầm tưởng hễ cứ ra trung ương kêu là sẽ được giải quyết, dẫn đến bất kể vụ việc to nhỏ, thuộc thẩm quyền của cấp nào và đã giải quyết đến đâu, người dân vẫn cứ ùn ùn kéo ra trung ương khiến uy tín của tỉnh bị ảnh hưởng. Năm 2014, trên cơ sở Kế hoạch số 2100/KH của Thanh tra Chính phủ, Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 778 về việc thành lập đoàn công tác tham mưu giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng. Tuy nhiên, có vụ việc đã qua nhiều lần giải quyết và không tránh khỏi những mâu thuẫn nên người dân tiếp tục khiếu kiện.
Dù ở cấp nào, công tác tiếp dân luôn giữ vai trò tiếp nhận thông tin từ nhân dân, phân loại và chuyển cho các cơ quan chức năng giải quyết chứ người tiếp dân không thể trực tiếp giải quyết từng vụ việc. Thế nhưng rất ít người dân hiểu rõ điều đó. Họ đến, mang theo bức xúc dồn nén lâu ngày và những người tiếp công dân trở thành nơi người dân trút giận. Dẫu thế, cứ đến hẹn lại lên, đúng ngày tiếp công dân, họ lại đến để nghe người dân trình bày, tiếp nhận thông tin và sẵn sàng nghe... dân chửi. Tôi đã cố cười khi nghe người cán bộ chủ trì buổi tiếp công dân tếu táo: Hôm nào tiếp dân mà không được nghe chửi thì bữa đó ăn không ngon!
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065