BP - Theo Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg ngày 4-6-2013 của Thủ tướng Chính phủ, Bình Phước được đầu tư 12 dự án định canh, định cư (ĐCĐC) cho đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) với tổng kinh phí 142.704 triệu đồng, trong đó Trung ương hỗ trợ 115.061 triệu đồng, ngân sách tỉnh và vốn lồng ghép từ các chương trình khác 27.701 triệu đồng. Tổng số hộ được hưởng chương trình là 1.378 hộ, 5.463 người. Do chưa bố trí được đất nên hiện vẫn còn 3 dự án chưa thể thực hiện. Các dự án đã triển khai chậm và không đồng bộ, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách an sinh của Chính phủ đối với đồng bào DTTS.
NHỮNG KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC
Trong 9 dự án đã thực hiện, có 6 dự án tập trung và 3 dự án xen ghép. 9 dự án hỗ trợ cho 681 hộ với 3.300 người DTTS, trong đó 500 hộ được hỗ trợ đất ở, nhà ở. Dự án tập trung đầu tư thi công các công trình cấp nước tập trung, đường vào khu ĐCĐC, nhà sinh hoạt cộng đồng, phòng học và trạm y tế, trung - hạ thế điện lưới quốc gia. Địa phương còn lồng ghép các chương trình khác để đầu tư phục vụ đồng bào khu vực ĐCĐC ổn định cuộc sống. 3 dự án tập trung chưa có đất để triển khai gồm: Dự án ấp Bù Núi, xã Lộc Tấn (Lộc Ninh) với tổng mức đầu tư 7.064 triệu đồng, cấp đất cho 61 hộ; dự án xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập với tổng mức đầu tư 14.761 triệu đồng, cấp đất cho 130 hộ và dự án huyện Chơn Thành với tổng mức đầu tư 17.497 triệu đồng, cấp đất cho 212 hộ.
Khu định canh, định cư xã Đồng Nai - Ảnh: Hải Châu
Huyện Lộc Ninh được phê duyệt đầu tư 4 dự án. Hiện 3 dự án đang thực hiện tại các xã: Lộc Thịnh với diện tích 70 ha, có 62 hộ hưởng; Lộc Thành với 80 ha, 64 hộ hưởng; Lộc Hòa với 86 ha, 62 hộ hưởng. Các hộ trong chương trình được xây nhà, cấp 1 ha đất sản xuất, hỗ trợ cây giống. Ngoài ra còn được đầu tư xây dựng đường điện, giao thông, giếng nước tập trung, phòng học, phòng y tế và nhà sinh hoạt cộng đồng. Riêng dự án tại ấp Bù Núi, chưa thực hiện do thiếu quỹ đất và vốn đầu tư. Do đó, một số hộ hưởng chương trình tại xã Lộc Tấn đã được đề nghị chuyển sang đối tượng hưởng các chương trình 1592 và 755.
Từ nhu cầu bức xúc của địa phương, sau đợt giám sát, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh xem xét giải quyết cho huyện Bù Đăng 152 ha thuộc quỹ đất an sinh xã hội để hỗ trợ 152 hộ DTTS và các hộ bị thu hồi đất, không có đất sản xuất. Ban cũng đề nghị UBND tỉnh thuận chủ trương kiến nghị của huyện Lộc Ninh xin 121 ha đất rừng khoanh nuôi tại Tiểu khu 221 (Bù Núi) thuộc Ban quản lý rừng Tà Thiết để huyện thực hiện dự án ĐCĐC xã Lộc Tấn. Đồng thời sớm bàn giao 87 ha tại Tiểu khu 213 của dự án ĐCĐC xã Lộc Thành để huyện Lộc Ninh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ hưởng. |
Huyện Bù Đăng được phê duyệt 2 dự án. Trong đó, dự án thôn 8, xã Đồng Nai với tổng mức đầu tư 13.228,94 triệu đồng. Xét thấy cần thiết phải điều chỉnh, UBND tỉnh đã phê duyệt điều chỉnh nâng mức đầu tư dự án lên 15.740 triệu đồng. Tổng diện tích đất của dự án là 109,93 ha với 66 hộ hưởng. Năm 2013, dự án đã cấp đất sản xuất cho 43 hộ. Hiện 23 hộ đang chờ giao đất sản xuất và xây nhà. Dự án xen ghép thôn 12, xã Thống Nhất với 80 hộ thụ hưởng chính sách. Tổng mức đầu tư 5.388,379 triệu đồng đã hoàn thành và đang chờ quyết toán các hạng mục còn lại.
Huyện Bù Gia Mập được phê duyệt 2 dự án ĐCĐC tập trung với tổng diện tích 376,3 ha, thực hiện ĐCĐC cho 301 hộ. UBND tỉnh đã điều chỉnh quy mô dự án từ 376,3 ha còn 154 ha và số hộ hưởng là 125 hộ. Dự án tại xã Đắk Ơ đã cấp đất sản xuất cho 125 hộ tại các xã Đắk Ơ, Phú Nghĩa, Đức Hạnh, Phú Văn với diện tích 108,9 ha. Còn 141 hộ thuộc các xã Long Bình, Long Tân, Bình Sơn, Long Hà, Phú Riềng, Phú Trung (nay thuộc huyện Phú Riềng), Đa Kia, Bình Thắng, Phước Minh chưa tổ chức phúc tra vì không còn quỹ đất.
KHÓ KHĂN LỚN NHẤT LÀ THIẾU QUỸ ĐẤT
Trong đợt giám sát, khảo sát việc thực hiện Quyết định số 33/2013/QĐ-TTg và Quyết định số 755/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ cuối tháng 10, đầu tháng 11 vừa qua tại các huyện trong tỉnh, Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã nghe phản ánh rất nhiều khó khăn trong quá trình thực hiện. Trong đó khó khăn lớn nhất là thiếu quỹ đất để triển khai các dự án. Bên cạnh đó, tiến độ giải ngân vốn rất chậm. Tổng nguồn vốn phân bổ đến năm 2015 là 118.576 triệu đồng, trong đó vốn trung ương 96.940 triệu đồng; vốn ngân sách tỉnh và vốn lồng ghép 21.636 triệu đồng. Nhưng đến tháng 6-2015, vốn trung ương mới giải ngân được 60.834 triệu đồng, đạt 62,8%.
Tại buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh đối với UBND tỉnh về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh năm 2015, ngày 20-11 vừa qua, việc chậm triển khai xây dựng nhà ở cho 125 hộ hưởng Chương trình 33 trên địa bàn huyện Bù Gia Mập; Việc đề nghị giải quyết quỹ đất an sinh xã hội để huyện Bù Đăng hỗ trợ đồng bào DTTS và việc huyện Lộc Ninh đề nghị giải quyết 121 ha đất rừng khoanh nuôi tại Ban quản lý rừng Tà Thiết để thực hiện Dự án ĐCĐC xã Lộc Tấn đã được thành viên đoàn giám sát đề cập và các ngành liên quan giải trình. Tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Tấn Hưng đã xác nhận việc triển khai xây dựng nhà ở, hỗ trợ đất cho các hộ hưởng Chương trình 33 rất chậm, chưa hiệu quả. Lãnh đạo các sở, ngành cần phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện chủ động, linh hoạt tìm nguồn hỗ trợ để xây dựng nhà ở cho đối tượng được hưởng. Trong đó cần ưu tiên cấp đất, xây dựng nhà ở cho đồng bào dân tộc bản địa. |
Khó khăn nữa là thời gian thực hiện các dự án phải kéo dài nhiều năm nhưng khi xây dựng dự án đã không tính đến sự biến động về giá vật liệu, nhân công nên mức đầu tư 25 triệu đồng/căn nhà là rất khó thực hiện. Vì thế, riêng huyện Bù Gia Mập chưa xây được nhà cho 125 hộ hưởng chương trình. Sau khi quy hoạch đất cho các dự án, chủ rừng buông lỏng quản lý nên nhiều dự án bị lấn chiếm. Điển hình là dự án xã Đắk Ơ và dự án thôn 12, xã Thống Nhất bị lấn chiếm hơn 50% diện tích nên không đủ đất thực hiện dự án ĐCĐC tập trung, phải chuyển sang dự án xen ghép. Một số dự án quy hoạch quỹ đất bị trùng với dự án khác phải thay đổi địa điểm đầu tư. Mặt khác, đất thực hiện dự án là đất chuyển đổi sau khi phân 3 loại rừng, khi thực hiện phải qua nhiều thủ tục nên thời gian thực hiện kéo dài và phải điều chỉnh mức đầu tư. Một số dự án không quy hoạch được quỹ đất, phải chuyển qua hỗ trợ bằng chính sách khác. Đến nay, còn khoảng 12 tỷ đồng vốn sự nghiệp trung ương phân bổ cho tỉnh không còn nhiệm vụ chi phải xin chuyển sang nguồn đầu tư phát triển để đầu tư các chương trình khác.
Ngoài những khó khăn kể trên, còn có nguyên nhân là một số hộ được giao đất xấu, đất bị tranh chấp nên không sản xuất được; một số diện tích đất quy hoạch cho các dự án tập trung cách xa trung tâm xã, khó khăn đi lại... nên xảy ra tình trạng các khu ĐCĐC xây dựng lên nhưng ít hộ đến sinh sống.
Hiện dự án Chương trình 33 trên địa bàn các huyện: Lộc Ninh, Bù Đăng và Đồng Phú đã cơ bản hoàn thành xây nhà cho các hộ hưởng. Riêng huyện Bù Gia Mập chưa xây nhà cho 125 hộ hưởng vì hiện đã hết thời gian thực hiện Quyết định số 33 của Thủ tướng Chính phủ. Ban Dân tộc HĐND tỉnh đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo UBND huyện Bù Gia Mập kiểm điểm trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân trong việc chậm triển khai thực hiện dự án.
Thảo Linh
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065