Khách hàng chọn mua quần áo của các thương hiệu nước ngoài tại trung tâm thương mại Q.1, TP.HCM
Hiệp định TPP có sức mạnh hỗ trợ việc làm, tạo ra những cơ hội mới, thúc đẩy một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng và thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người.
Đại sứ Hoa Kỳ tại VN Ted Osius đã nói như vậy về kết thúc đàm phán thành công Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trong tuyên bố gửi đến truyền thông ngày 8-10.
Hiệp định này có sức mạnh hỗ trợ việc làm
Đại sứ Ted Osius cho biết ông rất vui mừng vì kết thúc thành công các cuộc đàm phán TPP. Các đoàn đàm phán đã làm việc vất vả trong thời gian dài để đạt được thành công.
Với thành tích ấn tượng này, Hoa Kỳ và VN sẵn sàng trở thành đối tác trong một khối thương mại đại diện cho gần 40% GDP toàn cầu. TPP là một hiệp định thương mại cân bằng, đầy tham vọng, toàn diện và tiêu chuẩn cao.
“Nó thể hiện một bước tiến quan trọng nhằm tăng cường quan hệ kinh tế giữa hai nước chúng ta cũng như thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ song phương của chúng ta trong năm kỷ niệm 20 năm bình thường hóa quan hệ song phương”, tuyên bố của đại sứ nhấn mạnh.
“Chúng tôi mong muốn được hợp tác với các đối tác ở VN và các nước thành viên TPP khác để thực thi hiệp định lịch sử này. Hiệp định này có sức mạnh hỗ trợ việc làm, tạo ra những cơ hội mới, thúc đẩy một hệ thống kinh tế toàn cầu công bằng, và thay đổi cuộc sống của hàng trăm triệu người để đảm bảo tiếp tục có hòa bình và ổn định trong một thế giới thay đổi nhanh chóng”, đại sứ Hoa Kỳ tại VN cho biết.
Trong khi đó, cũng là quốc gia tham gia đàm phán TPP, các doanh nghiệp Nhật Bản kỳ vọng TPP sẽ thúc đẩy trao đổi thương mại giữa VN và Nhật Bản tăng trưởng nhanh chóng.
Về lĩnh vực đầu tư, sau TPP cũng sẽ có sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư từ Nhật Bản vào VN từ lĩnh vực này sang lĩnh vực khác.
Ông Yasuzumi Hirotaka, trưởng đại diện Jetro tại TP.HCM, cho biết sau TPP, lĩnh vực may mặc sẽ tăng mạnh mẽ nhất. Trước đây nhà đầu tư Nhật Bản thường vào Trung Quốc vì nước này có thể sản xuất được sợi chất lượng cao mà VN không làm được.
Thế nhưng sau TPP, các nhà đầu tư Nhật phải tính toán lại để đảm bảo được hàm lượng nội khối theo quy định về nguồn gốc xuất xứ trong TPP. “Sẽ có sự dịch chuyển mạnh vào VN thay vì chỉ chọn VN để làm công đoạn may, ráp như hiện nay”, ông Yasuzumi Hirotaka nói.
Do đó, giá trị ngành may mặc VN sẽ có điều kiện cải thiện giá trị gia tăng các sản phẩm nhưng điều này cũng đòi hỏi nỗ lực của doanh nghiệp VN. Riêng các ngành dược phẩm, nông nghiệp, thực phẩm chế biến… cũng sẽ giữ được nhịp độ thu hút đầu tư như bây giờ.
Theo cam kết trong TPP, dược phẩm sẽ giảm thuế từ mức hiện tại khoảng 2,5% về 0%. Rào cản thuế này là thấp nên việc bỏ thuế cũng không ảnh hưởng nhiều.
Ước tính có khoảng 18.000-20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế
Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM cũng cho rằng với tư cách là quốc gia kém phát triển nhất trong một hiệp định mà phần lớn là các nước phát triển bao gồm hai trong số đối tác lớn nhất của VN và gần như không bao gồm các đối thủ cạnh tranh trực tiếp, VN sẽ tăng tốc đáng kể trong thập kỷ tới nhờ TPP.
Điều này có được nhờ vốn đầu tư trực tiếp tăng. Các nước Bắc Á và ASEAN có thể xem xét chuyển một phần đáng kể chuỗi cung ứng ngành dọc ở một số ngành nhất định để hưởng lợi từ việc giảm thuế và tiếp cận thị trường tốt hơn.
Thứ 2 là tốc độ cải cách được đẩy nhanh, tốc độ cổ phần hóa cũng sẽ được đẩy nhanh hơn và tỉ trọng của DNNN sẽ giảm.
Thứ 3 là VN có thêm vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng.
Thứ 4, hàng hóa giao thương tăng mạnh, việc có thêm các cơ sở sản xuất tại VN sẽ làm tăng hàng hóa giao thương của VN, theo đó tăng nhập khẩu cũng như xuất khẩu.
“Chúng tôi ước tính khoảng 18.000-20.000 sản phẩm sẽ được giảm thuế trong thập kỷ tới dưới tác động trực tiếp của TPP”, nhóm nghiên cứu của HSC nhận xét.
Nguồn TTO
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065