BPO - Năm 2015 sắp qua đi với nhiều sự kiện đáng chú ý của nền kinh tế. Đó là: Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua, kết thúc đàm phán hiệp định TPP, hạ tầng giao thông phát triển mạnh...
1.Tăng trưởng kinh tế cao nhất trong 5 năm qua
Theo Tổng Cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) năm 2015 ước tính tăng 6,68% so với năm 2014, cao hơn 0,48% so với mục tiêu Quốc hội đề ra là 6,2%. Đây là mức tăng cao nhất 5 năm qua, phản ánh nền kinh tế đã phục hồi rõ nét.
Đặc biệt, GDP năm nay cũng tăng cao hơn mức bình quân của giai đoạn 2008-2010 là 6,14% bởi đây là giai đoạn ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái kinh tế thế giới. Tuy nhiên, so với mức tăng GDP của giai đoạn 2007 trở về trước có mức tăng 7% trở lên, mức GDP2015 còn thấp hơn nhiều.
Trong mức tăng trưởng chung của năm nay, khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản tăng 2,41%, thấp hơn mức tăng 3,44% của năm 2014, đóng góp 0,4 điểm phần trăm. Khu vực công nghiệp và xây dựng tăng mạnh nhất là 9,64%, cao hơn nhiều so với mức 6,42% của năm trước, đóng góp 3,2% điểm phần trăm. Trong đó, ngành công nghiệp tăng 9,39%, ngành xây dựng tăng 10,82%, là mức tăng cao nhất kể từ năm 2010. Khu vực dịch vụ tăng 6,33%, đóng góp 2,43 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Quy mô nền kinh tế năm nay theo giá hiện hành đạt 4.192,9 nghìn tỷ đồng. GDP bình quân đầu nước năm nay ước tính đạt 45,7 triệu đồng, tương đương 2.109 USD/người/năm, tăng thêm 57% so với năm 2014.
2.Kết thúc đàm phán hiệp định TPP
Sau hơn 5 năm đàm phán tích cực, ngày 5/10, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được 12 nước thành viên ký kết. Hiệp định TPP được coi là hình mẫu cho hợp tác kinh tế khu vực trong những năm đầu của thế kỷ 21, quy tụ các quốc gia đang nắm giữ 40% GDP toàn cầu.
Tham gia TPP với tư cách là một trong những thành viên đầu tiên sẽ giúp nâng cao vị thế của Việt Nam trong khu vực cũng như trên trường quốc tế, giúp Việt Nam thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa và đa dạng hóa quan hệ quốc tế.
Riêng về mặt kinh tế, theo tính toán, trong điều kiện các yếu tố khác đều thuận lợi, TPP có thể giúp GDP của Việt Nam tăng thêm 23,5 tỷ USD vào năm 2020 và 33,5 tỷ USD vào năm 2025. Xuất khẩu sẽ tăng thêm được 68 tỷ USD vào năm 2025. Tham gia TPP, Việt Nam có thể là nước được hưởng lợi nhiều nhất trong số 12 nước nhưng Việt Nam sẽ gặp không ít thách thức.
3. Lạm phát thấp nhất trong 14 năm
Nhìn lại diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2015, có thể thấy mức tăng CPI năm 2015 là mức tăng rất thấp trong vòng 14 năm qua, nằm ngoài dự đoán của nhiều chuyên gia và các cơ quan chức năng. Điều này cho thấy, bước đầu chúng ta đã kìm cương được “con ngựa” bất kham này. Lạm phát là một trong ba trụ cột của kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát đã góp phần quan trọng vào sự ổn định kinh tế vĩ mô, một thành tựu nổi bật nhất trong năm 2015.
Tăng trưởng kinh tế cao nhất 5 năm qua (ảnh: Internet)
|
Nguyên nhân khiến CPI năm 2015 tăng với mức độ thấp là sự cộng hưởng của các yếu tố khách quan và chủ quan. Yếu tố khách quan là lạm phát toàn cầu có xu hướng giảm, do kinh tế các nước châu Âu, Trung Quốc tăng trưởng thấp. Giá dầu thế giới tiếp tục giảm mạnh, mức thấp nhất trong vòng bảy năm qua, dưới 35USD/thùng, gần bằng giá năm khủng hoảng kinh tế 2008 là 32,4 USD/thùng. Giá xăng dầu giảm kéo theo những sản phẩm của dầu (chất dẻo, nhựa đường, phân bón, thuốc trừ sâu…) giảm rất mạnh, cùng với đó giá lương thực, đường, đậu nành… cũng giảm. Do vậy, giá hàng hóa qua kênh xuất nhập khẩu của Việt Nam cũng giảm và giá nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào cũng giảm. Bên cạnh đó, cũng phải kể đến nguyên nhân chủ quan là các cấp, ngành, địa phương trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện các giải pháp trong các Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3-1-2015 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 và Nghị quyết các phiên họp thường kỳ của Chính phủ.
Khác với những lần trước, khi lạm phát chớm giảm, chúng ta lại nới lỏng chính sách tiền tệ, còn 4 năm qua Chính phủ đã thực hiện nhất quán chặt chẽ nên duy trì được lạm phát thấp. Nhờ vậy, kinh tế vĩ mô dần ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm.
4. Ngân sách khó khăn
Giá dầu thế giới liên tục giảm mạnh, có thời điểm xuống đáy 11 năm đã khiến nguồn thu ngân sách gặp khó khăn với các khoản nợ, chi thường xuyên… Có thời điểm, ngân sách đã phải vay Ngân hàng Nhà nước 30.000 tỷ đồng để giải quyết khó khăn về thanh khoản. Một số địa phương, ngân sách cũng “bi đát” khi hết tiền hoạt động, nợ không có nguồn chi trả.
5. Thị trường BĐS phục hồi, gói 30.000 tỷ đồng có thể về đích đúng hạn
Bộ Xây dựng cho biết, đến tháng 12-2015, giá trị gói tín dụng hỗ trợ nhà ở 30.000 tỷ đồng đã cam kết cho vay được 80% sau gần 3 năm triển khai.
Theo đó, tính đến hết 30-11-2015, các ngân hàng đã cam kết cho vay 24.110 tỷ đồng, đạt 80%, đã giải ngân được 15.465 tỷ đồng, đạt 52%. Trong đó đối với hộ gia đình cá nhân đã ký hợp đồng cam kết cho vay 35.558 hộ với số tiền 16.736 tỷ đồng; giải ngân cho 35.554 hộ với số tiền 10.072 tỷ đồng. Đối với tổ chức, doanh nghiệp: đã cam kết cho vay 58 dự án với số tiền 7.374 tỷ đồng, trong đó 53 dự án đã được giải ngân với dư nợ là 3.837 tỷ đồng.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng cho biết: Cùng với gói tín dụng 30.000 tỷ, trong thời gian qua Bộ Xây dựng đã đề xuất một nhóm giải pháp đồng bộ để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, hoàn thiện cơ chế, chính sách, rà soát phân loại các dự án bất động sản trên phạm vi cả nước, thực hiện chuyển đổi nhiều dự án nhà ở thương mại sang dự án nhà ở xã hội, điều chỉnh cơ cấu căn hộ các dự án nhà ở thương mại.
Chính nhờ các giải pháp đồng bộ đó, thị trường bất động sản đã phục hồi tích cực. Lượng giao dịch thành công liên tục tăng, bắt đầu từ phân khúc sản phẩm trung bình và thấp, lan dần sang khu vực sản phẩm trung và cao cấp. Lượng giao dịch thành công tại Hà Nội và TP HCM tăng.
6. Hạ tầng giao thông phát triển mạnh
Trong năm 2015, nhiều công trình giao thông trọng điểm, quy mô lớn được hoàn thành, hạ tầng giao thông được cải thiện rõ rệt, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các vùng miền.
Theo đó, Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 105 km, là tuyến đường rộng nhất cả nước với 6 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp. Tại lễ thông xe ngày 5-12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá tuyến cao tốc này đạt tiêu chuẩn tiên tiến của thế giới, hiện đại nhất Việt Nam; "Con đường có nhiều ý nghĩa, nếu phương tiện đi từ Hà Nội đến Hải Phòng mất 2,5 giờ trên quốc lộ 5 thì nay chỉ trong 1-1,5 giờ". Ngay sau khi hoàn thành, cao tốc này đã giúp giảm quá tải phương tiện trên quốc lộ 5 Hà Nội - Hải Phòng với lưu lượng hơn 9.000 lượt xe lưu thông mỗi ngày.
Bên cạnh đó, đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên (quốc lộ 14) đã hoàn thành mở rộng, nâng cấp vào tháng 7-2015 với chiều dài 420 km. Đường có 2 làn xe cơ giới, 2 làn xe thô sơ, một số đoạn qua đô thị được mở rộng đến 4 làn xe cơ giới, tốc độ thiết kế đạt đến 80 km/h. Xuyên qua núi rừng Tây Nguyên, đường Hồ Chí Minh được nâng cấp đã xóa đi "con đường đau khổ" trước kia, tạo điều kiện cho người dân đi lại và góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội các tỉnh Tây Nguyên.
Tiếp đó, ngày 26-12, cầu Tháp Chàm mới (địa bàn Ninh Thuận) đã được lắp dựng thay thế cầu Tháp Chàm cũ. Đây là cầu cuối cùng đánh dấu hoàn tất dự án thay thế 44 cầu tuổi thọ gần một thế kỷ nằm tại các điểm xung yếu của tuyến đường sắt Bắc Nam. Nhiều cầu được xây dựng tại khu vực miền Trung điều kiện thuỷ văn phức tạp, bom mìn còn sót lại, nên thường xuyên phải thay đổi biện pháp thi công. Dự án có tổng vốn đầu tư hơn 9.200 tỷ đồng từ vốn vay ODA của Nhật Bản, đã được triển khai qua nhiều năm. Sau khi 44 cầu hoàn thành sẽ góp phần hiện đại hóa hạ tầng đường sắt, tàu Bắc Nam sẽ được rút ngắn hành trình chạy tàu xuống 2-3 giờ so với trước.
Đáng chú ý, hiện Bộ Giao thông Vận tải đã hoàn thành đề án xây dựng 187 cầu treo dân sinh tại 28 tỉnh miền núi trong 2 năm. Từ khi có cầu, nhiều bản làng của đồng bào dân tộc không còn bị chia cắt vào mùa mưa lũ như trước đây. Diện mạo của các tỉnh miền núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên đã thay đổi tích cực hơn. Giai đoạn 2 của đề án sẽ khởi động vào năm 2017 với mục tiêu xây dựng 295 cầu treo tại vùng sâu.
7. Giá xăng được điều chỉnh 18 lần
Vào ngày 18-12, giá bán lẻ xăng RON 92 và xăng E5 giảm 391 đồng/lít xăng RON 92 và xăng E5, xuống còn lần lượt tối đa 16.405 đồng/lít và 15.910 đồng/lít. Giá dầu diesel 0,05S giảm tới 1.246 đồng/lít, xuống tốicòn tối đa 11.984 đồng/lít; giá dầu hỏa hạ 1.136 đồng/lít, còn không cao hơn 11.065 đồng/lít; giá dầu mazut giảm 942 đồng, còn tối đa 8.162 đồng/kg. Đây là thứ 5 liên tiếp giá xăng được điều chỉnh giảm kể từ 19-10. Đây cũng là lần điều chỉnh giá xăng dầu lần cuối cùng trong năm 2015.
Như vậy, trong năm nay giá xăng đã trải qua 18 lần điều chỉnh, trong đó có 12 lần giảm. So với cuối năm trước, giá bán lẻ xăng trong nước đang rẻ hơn gần 1.500 đồng/lít. Sở dĩ giá xăng dầu trong nước liên tục giảm bởi giá xăng dầu, đặc biệt là giá dầu thế giới giảm sâu, có thời điểm chỉ còn trên 30 USD/thùng.
8. Áp lực mạnh lên tỷ giá
Do ảnh hưởng của nhiều yếu tố, đặc biệt là đồng NDT của Trung Quốc liên tục giảm giá và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ tăng lãi suất lần đầu tiên trong gần 10 năm qua, tỷ VND/USD biến động mạnh trong năm 2015. Tính đến cuối năm, tỷ giá đã tăng 5%, cùng với đó, biên độ tỷ giá được nới lên +-3% thay vì +-1%. Bên cạnh điều chỉnh tỷ giá, để ổn định thị trường và chống tình trạng đô lá hóa, lần đầu tiên trong lịch sự lãi suất tiền gửi USD của doanh nghiệp và các nhân đều được đưa về 0%/năm.
9. Việt Nam thu hút gần 23 tỉ USD vốn FDI
Kết thúc năm 2015, nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cam kết mới và vốn thực hiện của khối doanh nghiệp khu vực này đều tăng so với năm ngoái, tuy nhiên mức tăng không cao.
Theo Tổng cục Thống kê, từ đầu năm 2015 đến ngày 15-12, nguồn vốn FDI cam kết vào Việt Nam đạt 22,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm ngoái.
Trong số này, cả nước có được 2.013 dự án được cấp phép mới với số vốn đăng ký đạt 15,58 tỉ đô la Mỹ, tăng 26,8% về số dự án và giảm 0,4% về số vốn so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng thời gian này có 814 lượt dự án FDI đã cấp phép từ các năm trước được cấp vốn bổ sung với 7,18 tỉ đô la Mỹ. Như vậy tổng vốn đăng ký của các dự án cấp mới và vốn cấp bổ sung đạt 22,76 tỉ đô la Mỹ, tăng 12,5% so với năm 2014.
Tuy nhiên kết quả này có thể sẽ thay đổi theo hướng cao hơn. Cụ thể như năm ngoái, Cục Đầu tư nước ngoài cho biết tổng vốn FDI cam kết trong năm lên tới gần 22 tỉ đô la Mỹ, chứ không phải là 20,23 tỉ USD như con số ước tính đã công bố đến ngày 20-12.
10. Ngân hàng được mua với giá 0 đồng
Năm 2015 việc tái cơ cấu ngân hàng được thực hiện ráo riết, đưa 4 năm tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đã “chặn” được cú sốc thanh khoản, xử lý được 17 tổ chức tín dụng yếu kém, bảo vệ quyền lợi của người dân, tránh hiện tượngdomino rút tiền hàng loạt. Đáng chú ý, 3 ngân hàng là Ngân hàng Xây dựng, OceanBank và GPBank được giải cứu khi Ngân hàng Nhà nước mua lại với giá 0 đồng; nợ xấu từ mức đỉnh điểm 17% vào năm 2012 xuống dần chỉ còn 2,72% vào cuối tháng 11-2015. Những tháng gần cuối năm, nhiều cổ đồng lớn của ngân hàng đua nhau bán cổ phiếu để giải quyết vấn đề sở hữu chéo trong hệ thống.
Nguồn HNMO