1. Pele
|
Được coi là cầu thủ vĩ đại nhất lịch sử bóng đá, Pele đã giành 3 chức vô địch World Cup Brazil. Khi giúp các “Selecao” nâng cao chiếc cúp vàng năm 1958, Pele mới chỉ là một chàng thanh niên. 4 năm sau, ông lặp lại điều đó dù chỉ chơi một trận do gặp chấn thương. Sự nghiệp của Pele đạt đỉnh cao khi đưa "vũ điệu samba" đăng quang số một thế giới tại World Cup 1970. Đến này, Pele vẫn là cầu thủ duy nhất lập "hat-trick" ba lần vô địch World Cup.
2. Diego Maradona
|
Cùng với Pele, Maradona cũng được FIFA bầu chọn là "Cầu thủ xuất sắc nhất thế kỷ 20". "Cậu bé vàng" đã truyền cảm hứng cho chiến thắng của Argentina tại World Cup 1986. Người Anh sẽ không bao giờ tha thứ cho ông vì “Bàn tay của Chúa” mà Maradona đã dùng để loại "Tam Sư" trên đường tới vinh quang ở Mexico. Và có lẽ chính người Argentina cũng sẽ không tha thứ cho ông trên cương vị HLV với thành tích vô cùng kém cỏi tại World Cup 2010 ở Nam Phi. Nhưng rõ ràng với tư cách một cầu thủ, Maradona là "có một không hai" ở thời kỳ đỉnh cao, mặc dù ma túy phủ bóng đen cuối sự nghiệp của ông.
3. Ronaldo
|
Ronaldo là tay săn bàn hiệu quả nhất World Cup với 15 pha lập công. Trong đội hình tuyển Brazil vô địch World Cup 1994, Ronaldo mới là một gương mặt trẻ. Sau đó, "Người ngoài hành tinh" góp công đưa "vũ điệu samba" vào đến trận chung kết năm 1998 và 2002. Chịu một cơn choáng chỉ vài giờ trước trận chung kết World Cup 1998 ở Pháp, Ronaldo đã chơi không tốt khi Brazil thua đội chủ nhà 0-3. Nhưng 4 năm sau tại Yokohama (Nhật Bản), Ronaldo lập cú đúp trong trận chung kết để đưa Brazil đến ngôi vô địch thế giới lần thứ 5. Nước Đức năm 2006 đánh dấu World Cup cuối cùng của Ronaldo.
4. Zinedine Zidane
|
Những người không xem bóng đá chỉ nhớ đến Zidane vì cú húc đầu vào Marco Materazzi trong trận chung kết World Cup 2006 với Italy. Hành vi đã đó khiến Zidane phải nhận thẻ đỏ, đồng thời đặt dấu chấm hết đáng xấu hổ cho sự nghiệp huy hoàng của anh. Còn những ai am tường môn thể thao Vua luôn yêu mến Zidane như một cầu thủ được trời ban cho những kỹ năng hiếm thấy, cùng một thiên hướng ghi bàn trong những trận đấu lớn. Ngôi sao ba lần được trao danh hiệu xuất sắc nhất thế giới này đã giúp Pháp vô địch World Cup 1998 trên sân nhà (ghi 2 bàn từ những cú đánh đầu trong trận chung kết) cũng như đăng quang Euro 2000. Không lâu sau, anh được Juventus bán cho Real Madrid với giá trị chuyển nhượng kỷ lục khi đó là 65 triệu USD.
5. Just Fontaine
|
Fontaine nắm một kỷ lục khó bị phá trong tương lai gần: ghi 13 bàn thắng chỉ trong một kỳ World Cup. Thực tế, Fontaine mất có 6 trận để đạt được thành tích này vào năm 1958 trên đất Thụy Điển. Đáng nói hơn, ông chỉ được bổ sung vào đội tuyển Pháp vào phút cuối. Bước vào giải đấu đó, chân sút sinh ra tại Morocco này chưa có nhiều danh tiếng bên ngoài giải vô địch quốc gia Pháp. Tuy vậy, Fontaine đã khiến các đối thủ phải khốn khổ vì tốc độ và khả năng dứt điểm của mình, thậm chí dù phải thi đấu với đôi giày đi mượn vì đã làm hỏng giày khi luyện tập!
6. Franz Beckenbauer
|
Beckenbauer là người định ra vai trò libero. Phong cách lịch lãm và thư thái đã đem lại cho ông danh hiệu “Hoàng Đế”. Beckenbauer là người duy nhất đưa tuyển Đức giành chức vô địch World Cup với vai trò đội trưởng (năm 1974) và huấn luyện viên (năm 1990). Ông có 103 lần khoác áo đội tuyển quốc gia và được coi là cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Đức. Beckenbauer cũng từng là HLV và chủ tịch của "Hùm xám" Bayern Munich, nơi ông giành mọi danh hiệu ở cấp câu lạc bộ với tư cách cầu thủ. Ở tuổi 68, ông đã không còn nắm giữ chức vụ chính thức nào những vẫn là một bình luận viên truyền hình và nổi tiếng khắp nước Đức.
7. Johan Cruyfff
|
Chưa một lần đăng quang tại World Cup, không phải là cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất và chỉ chơi duy nhất một trận chung kết. Tuy nhiên, sẽ là thiếu sót lớn nếu không đưa Johan Cruyff vào danh sách các cầu thủ vĩ đại nhất World Cup bởi không nhiều ngôi sao có được sự kết hợp giữa cái đẹp, tốc độ, tầm nhìn và tinh tế như ông. Ở World Cup 1974 tại Tây Đức, Cruyff dẫn dắt "Cơn lốc màu Da Cam" Hà Lan đánh bại các đối thủ sừng sỏ ngày ấy như Uruguay, Argentina, và Brazil bằng lối chơi tổng lực tưng bừng để bước vào trận chung kết gặp đội chủ nhà. Trong một thời khắc tuyệt vời, cầu thủ có dáng vẻ cao gầy này đã dùng động tác giả và tốc độ để chọc thủng hàng phòng ngự Đức ngay từ pha giao bóng đầu trận, đem lại một quả phạt penalty và bất ngờ đưa Hà Lan lên dẫn trước. Thế nhưng, cuối cùng thì "Cơn lốc màu Da Cam" lại dừng thổi mà không có chiến thắng nào ở đỉnh cao nhất này tô điểm cho sự nghiệp "Thánh Cruyff".
8. Eusebio
|
Trong sự nghiệp kéo dài suốt 2 thập kỷ của Eusebio, có lẽ giây phút đáng nhớ nhất chính là cú lội ngược dòng khó tin được ông thực hiện cho Bồ Đào Nha trước Triều Tiên ở trận tứ kết World Cup 1966 tại Anh. Sau khi Bồ Đào Nha bị dẫn trước 0-3, Eusebio đã ghi một mạch 4 bàn thắng chỉ trong hơn 30 phút, trình diễn nền tảng thể lực và khả năng dứt điểm tuyệt vời đã đưa ông trở thành một trong những cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất thế giới trong những năm 1960. Sinh ra trong nghèo khó ở châu Phi, Eusebio được biết đến với biệt danh “Báo đen” vì sự nhanh nhẹn và các pha tấn công đầy uy lực. Năm 1965, ông được trao tặng danh hiệu "Quả bóng Vàng" và hai lần đạt danh hiệu "Chiếc giày Vàng" vào năm 1968 và 1973 cho cầu thủ ghi nhiều bàn thắng nhất châu Âu.
9. Lev Yasshin
|
Là thủ môn duy nhất cho đến nay được trao danh hiệu "Quả bóng Vàng" (Cầu thủ xuất sắc nhất châu Âu), Lev Yashin đã định nghĩa lại nghiệp thủ môn, trình diễn những cú nhào lộn để phá bóng cứu nguy và khả năng chỉ huy hàng phòng ngự xuất sắc. Tại World Cup 1958, sau khi liên tục có những pha cứu thua ngoạn mục trước đội bóng sau đó trở thành nhà vô địch là Brazil, Yashin nhanh chóng nổi danh. Đến World Cup 1966, dù là chốt chặn cuối cùng của đội nhưng Yashin được coi là góp công lớn dẫn dắt Liên Xô (cũ) giành vị trí thứ tư. Trong suốt sự nghiệp thể thao chuyên nghiệp kéo dài 20 năm, phản xạ hiếm có của Yashin thậm chí còn giúp ông trở thành nhà vô địch của môn thể thao khác: cùng Dynamo Moscow giành cúp vô địch Liên Xô môn khúc côn cầu trên băng.
10. Giuseppe Meazza
|
Được nhiều người coi là cầu thủ vĩ đại nhất Italy, Meazza tham dự hai kỳ World Cup mà Italy đều giành chức vô địch. Sinh ra và lớn lên ở ngoại ô Milan, Meazza 24 tuổi khi Italy đăng cai World Cup năm 1934. Đá ở cánh phải thay vì ở vị trí tiền đạo cắm ưa thích, ông khuấy đảo các hàng phòng ngự bằng những cú rê bóng và dàn dựng tình huống dẫn đến bàn thắng quyết định của Angelo Schiavio trong trận chung kết gặp Tiệp Khắc. Bốn năm sau, Meazza chỉ ghi một bàn trên chấm phạt đền trong trận bán kết gặp Brazil. Đó cũng là lần cuối cùng ông xuất hiện trong màu áo tuyển Italy. AC Milan và Inter Milan đã đặt tên cho sân vận động chung là Stadio Giuseppe Meazza (được biết đến nhiều hơn với tên gọi San Siro) sau khi ông qua đời năm 1979.
Nguồn TTXVN
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065