Tân binh huyện Đồng Phú trong lễ giao, nhận quân 2015 - Ảnh: Sỹ Hòa
Các hành vi bị nghiêm cấm:
Theo quy định tại Điều 10 của luật này, những hành vi sau đây bị nghiêm cấm: Trốn tránh thực hiện nghĩa vụ quân sự. Chống đối, cản trở việc thực hiện nghĩa vụ quân sự. Gian dối trong khám sức khỏe nghĩa vụ quân sự. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn làm trái quy định về nghĩa vụ quân sự. Sử dụng hạ sĩ quan, binh sĩ trái quy định của pháp luật. Xâm phạm thân thể, sức khỏe; xúc phạm danh dự, nhân phẩm hạ sĩ quan, binh sĩ.
Đối tượng được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự và tạm hoãn, miễn gọi nhập ngũ:
Theo quy định tại Điều 14, những đối tượng sau đây được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự: Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hay bệnh mãn tính.
Theo quy định tại Điều 41, những đối tượng được tạm hoãn gọi nhập ngũ, gồm: Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của hội đồng khám sức khỏe; Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; Trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được UBND cấp xã xác nhận; Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61-80%; Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân; Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 3 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế - xã hội của Nhà nước do UBND cấp tỉnh trở lên quyết định; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; Đang đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Những đối tượng sau đây được miễn gọi nhập ngũ: Con của liệt sĩ, con của thương binh hạng một; Một anh hoặc một em trai của liệt sĩ; Một con của thương binh hạng hai; Một con của bệnh binh suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Một con của người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; Người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân, Công an nhân dân; Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật từ 24 tháng trở lên.
Tuy nhiên, Luật Nghĩa vụ quân sự mới cũng quy định rõ, công dân thuộc diện tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu không còn lý do tạm hoãn thì được gọi nhập ngũ. Công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ hoặc được miễn gọi nhập ngũ nếu tình nguyện thì được xem xét tuyển chọn và gọi nhập ngũ. Đồng thời, danh sách công dân được tạm hoãn gọi nhập ngũ, được miễn gọi nhập ngũ phải được niêm yết công khai tại trụ sở UBND cấp xã, trụ sở cơ quan, tổ chức nơi công dân công tác trong thời hạn 20 ngày.
Thời gian tại ngũ:
Trong thời bình là 24 tháng (trước đây quy định thời gian này là 18 tháng). Trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng - an ninh, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quyết định kéo dài thời gian tại ngũ, nhưng không quá 6 tháng. Trong chiến tranh hay tình trạng quốc phòng khẩn cấp sẽ thực hiện theo lệnh tổng động viên hay động viên cục bộ.
Quyền lợi của quân nhân khi tại ngũ:
Theo quy định tại Điều 50, quân nhân khi tại ngũ được hưởng các quyền lợi sau: Được bảo đảm cung cấp kịp thời, đủ số lượng, đúng chất lượng về lương thực, thực phẩm, quân trang, thuốc phòng bệnh, chữa bệnh. Được bảo đảm chỗ ở, phụ cấp hằng tháng, nhu yếu phẩm và nhu cầu về văn hóa, tinh thần phù hợp với tính chất nhiệm vụ của quân đội; được bảo đảm chế độ trong các ngày lễ, tết. Được Nhà nước bảo đảm chăm sóc sức khỏe khi bị thương, bị ốm đau, bị tai nạn. Từ tháng thứ 13 trở đi được nghỉ phép. Từ tháng thứ 25 trở đi được hưởng thêm 250% phụ cấp quân hàm hiện hưởng hằng tháng. Được tính nhân khẩu trong gia đình khi gia đình được cấp hoặc điều chỉnh diện tích nhà ở, đất xây dựng nhà ở và đất canh tác. Được tính thời gian phục vụ tại ngũ vào thời gian công tác. Được ưu đãi về bưu phí. Có thành tích trong chiến đấu, công tác, huấn luyện được khen thưởng. Trong trường hợp bị thương, bị bệnh khi làm nhiệm vụ thì được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Được Nhà nước bảo đảm chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế; khi ốm đau dài ngày được hưởng chế độ trợ cấp khó khăn đột xuất. Được tạm hoãn trả khoản nợ vay để học tập theo quy định của Chính phủ.
Quyền lợi khi xuất ngũ:
Cũng theo Điều 50, quân nhân khi xuất ngũ được hưởng các quyền lợi sau: Được cấp tiền tàu xe, phụ cấp đi đường, trợ cấp xuất ngũ. Trước khi nhập ngũ đang học tập hoặc có giấy gọi vào học tập tại các trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học thì được bảo lưu kết quả, được tiếp nhận vào học ở các trường đó. Được trợ cấp tạo việc làm. Được chính quyền các cấp, cơ quan, tổ chức ưu tiên trong tuyển sinh, cộng điểm trong thi tuyển công chức, viên chức và sắp xếp việc làm. Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội thì khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương trước khi nhập ngũ. Nếu cơ quan, tổ chức cũ đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm giải quyết việc làm. Trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế khi xuất ngũ tổ chức kinh tế đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm, tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ. Trước khi nhập ngũ đã tốt nghiệp tại trường thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ sở giáo dục đại học chưa được sắp xếp, bố trí công tác thì khi xuất ngũ được ưu tiên sắp xếp, bố trí công tác và trong thời gian tập sự được hưởng 100% mức lương và phụ cấp của ngạch tuyển dụng tương ứng với trình độ đào tạo;
Quyền lợi đối với thân nhân:
Theo quy định tại Điều 50, thân nhân của quân nhân tại ngũ được hưởng quyền lợi như sau: Bố, mẹ đẻ; bố, mẹ vợ hoặc bố, mẹ chồng; người nuôi dưỡng hợp pháp; vợ hoặc chồng; con đẻ, con nuôi hợp pháp được hưởng chế độ bảo hiểm y tế theo quy định của Luật Bảo hiểm y tế, được hưởng trợ cấp khó khăn do ngân sách nhà nước bảo đảm. Con đẻ, con nuôi hợp pháp của hạ sĩ quan, binh sĩ tại ngũ được miễn học phí khi học ở cơ sở giáo dục phổ thông công lập và ngoài công lập theo quy định của pháp luật về chế độ miễn, giảm học phí. Trường hợp hy sinh, từ trần trong khi làm nhiệm vụ thì gia đình được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của pháp luật. Trong thời chiến bố, mẹ, vợ, chồng, con được hưởng chế độ ưu đãi riêng.
T.H (Tổng hợp)
Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước
Trụ sở: Số 1 - Trần Hưng Đạo - P. Tân Phú
- TP. Đồng Xoài - Tỉnh Bình Phước
Giấy phép xuất bản số: 430/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 11/10/2019
Ghi rõ nguồn "Bình Phước Online" khi phát hành lại thông tin từ Website này
Giám đốc - Tổng biên tập: Nguyễn Thị Minh Nhâm
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Đoàn Như Viên
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Phan Văn Thảo
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Thành Long
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Cao Minh Trực
Phó Giám đốc - Phó Tổng biên tập: Nguyễn Ngọc Vũ
Đường dây nóng: 0866.909.369
Email: [email protected]
Điện thoại: 0271.3887189 - 0271.3870020
Fax: 0271.3870720
Liên hệ quảng cáo: 0271.2211556 - 0271.3887065